Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Là “dân” văn phòng bạn thường xuyên phải “ngốn” 8 giờ, thậm chí là hơn cho mỗi ngày làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với những hệ lụy của nó. Tuy nhiên, một số chiêu thức đơn giản sau sẽ giúp bạn có thể bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho chính mình ngay tại nơi làm việc.

1. Đi ra ngoài
Bạn hãy biết cách tận dụng những khoảng thời gian ngắn ngủi trong giờ nghỉ giải lao hay giờ ăn trưa để đi dạo bên ngoài, hoặc thậm chí chỉ là đi xung quanh cơ quan của mình. Đây là những khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng bạn có thể thực hiện những vận động rất quan trọng cho cơ thể.
Điều này sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi, căng thẳng, thư giãn để có thể làm việc hiệu quả hơn ngay sau đó. Thêm vào đó, nếu bạn có thể đi dạo bên ngoài sẽ giúp cơ thể có thể tổng hợp được nguồn vitamin D dồi dào từ ánh nắng mặt trời, sẽ rất có lợi cho xương.
2. Lựa chọn ghế ngồi làm việc
Trong khoảng thời gian làm việc tại văn phòng, phần lớn bạn sẽ “ngốn” thời gian làm việc trên ghế ngồi, chính vì thế việc lựa chọn một chiếc ghế ngồi đúng cách và hợp lý là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Khi chọn ghế bạn nên chọn chiếc ghế mà bạn có khả năng thay đổi và điều chỉnh về độ cao. Độ cao từ ghế tới bàn làm việc rất quan trọng, không những đem lại cho bạn tư thế ngồi thoải mái mà còn giúp bạn phòng tránh được nguy cơ mắc các bệnh về cột sống và thị lực.
Độ cao của chiếc ghế nên được chỉnh sao cho cẳng tay và đùi bạn song song với mặt sàn. Chiếc ghế nên có phần dựa lưng chỉnh được để đỡ lưng dưới của bạn khi ngồi thẳng đứng. Chiếc ghế nên có chỗ đỡ tay và bánh xe để có thể dễ dàng di chuyển tới lui.
Thêm vào đó bạn cũng nên chọn chiếc ghế có đệm mút êm, điều này sẽ gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến mông và xương cụt của bạn.
3. Bảo vệ mắt
Với cường độ 8 giờ làm việc một ngày bên máy tính thì ¾ số người sử dụng sẽ gặp các hội chứng về mắt như mắt căng thẳng, mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, cận thị…
- Thường xuyên chớp mắt để rửa mắt vì khi bạn chăm chú thì thường quên động tác này, thêm nữa do màn hình máy tính thường đặt cao hơn tầm mắt làm ta phải nhướng mắt lên và mở to mắt ra điều này làm mắt bị khô.
- Sau 15 phút bạn hãy cho mắt nghỉ ngơi thư giãn bằng cách rời khỏi màn hình và nhìn vô định ra thật xa 1 phút.
- Điều chỉnh ánh sáng đèn trong văn phòng hay luồng ánh sáng mặt trời không để phản xạ lên màn hình và vào mắt bạn.
- Chỉnh màn hình có tông màu tối và phóng to co chữ khi đánh văn bản.
- Đặt màn hình máy tính thẳng tầm nhìn của mắt; ghế ngồi khi làm việc với máy nên là loại ghế xoay và có thể điều chỉnh độ cao thấp cho phù hợp.
- Không nên lạm dụng các loại nước nhỏ mắt vì sử dụng nhiều sẽ làm yếu chức năng tiết nước mắt của tuyến lệ gây khô giác mạc.
- Hạn chế thời gian sử dụng máy tính vào việc giải trí như chơi game, xem phim online vì thường đòi hỏi mắt bạn tập trung rất nhiều.
- Khoảng cách hợp lý: khoảng cách từ màn hình máy tính tới mắt thích hợp là 16-24cm, không quá xa, khiến bạn phải căng mắt ra để nhìn, điều này còn phụ thuộc vào thị lực và kích cỡ của màn hình.
- Đặt máy tính ở vị trí khoa học: vị trí đặt máy tính có ảnh hưởng phần lớn tới mắt của bạn. Chính vì thế, phải lựa chọn vị trí khoa học và hợp lý để đặt máy. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, đặt máy tính ở chỗ quá nhiều ánh sáng (ánh sáng chói) đều không tốt cho mắt. Trái lại, nên chọn vị trí hơi tối một chút, ánh sáng chiếu vào vừa phải (không sáng chói nhưng cũng không tối đen), như vậy bạn sẽ dễ quan sát và mắt không phải điều tiết nhiều.
Bài tập dành cho mắt
Dưới đây là một số bài tập đơn giản dành cho mắt mà bạn có thể luyện tập thường xuyên ngay tại văn phòng:
- Nhắm mắt từ 3-5 giây, sau đó mở mắt trong vòng 3-5 giây. Lặp lại động tác này từ 7-8 lần.
- Nhắm mắt lại và dùng ngón tay massage mắt bằng cách xoa tròn từ 1-2 phút. Nhớ ấn nhẹ vừa phải khi massage, nếu không bạn có thể gây đau mắt.
- Ấn ba ngón tay mỗi bên lên mi mắt và giữ nguyên trong vòng 1-2 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác này 5 lần.
- Ngồi yên và thả lỏng. Đảo mắt theo chiều kim đồng hồ và sau đó đảo theo chiều ngược lại. Thực hiện động tác này 5 lần và nhớ chớp mắt sau mỗi lần tập.
-  Ngồi cách cửa sổ 20cm. Đánh dấu một điểm ngang tầm mắt trên khung kính (dùng một sticker nhỏ màu đỏ hoặc đen là tốt nhất). Nhìn qua điểm đánh dấu này và tập trung vào những vật phía xa hơn trong tầm mắt trong vòng 10-15 giây. Sau đó trở lại nhìn vào điểm đánh dấu một lần nữa.
- Tay cầm một cây bút chì trước mặt và duỗi thẳng tay ra. Từ từ gập cánh tay về phía mũi và mắt luôn nhìn vào cây bút chì đến khi bạn không thể tập trung nhìn vào nó được nữa. Lặp lại động tác này 10 lần.
- Nếu bạn “viết” chữ càng to, càng có tác dụng tốt hơn cho mắt.
4. Trồng cây trong khu vực làm việc
Việc đặt một cây cảnh hay một cây hoa nhỏ gần vị trí bạn làm việc hay trên cửa sổ sẽ giúp bạn được tận hưởng “không khí thiên nhiên”, giúp cải thiện không khí ngột ngạt trong phòng kín.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc trồng cây xanh trong khu vực làm việc sẽ có tác dụng làm giảm các chất hữu cơ bay hơi (viết tắt là VOCs) như là benzen và hexan được biết đến như là những chất hóa học gây độc hại cho sức khỏe. Cũng xin cảnh báo rằng hàm lượng khí độc này sẽ tăng lên 100% trong môi trường kín, thường xuyên đóng cửa kính.
5. Hạn chế những tác hại từ bàn phím
Việc sử dụng bàn phím máy tình thường xuyên sẽ khiến bạn phải đối mặt với chứng bệnh hội chứng ống cổ tay. Nếu bạn đánh 60 từ trong vòng một phút, tương đương với việc đánh 21.600 phím trong vòng một giờ, như vậy bạn sẽ dễ phải chịu đựng cảm giác đau mỏi các khớp xương hay các đầu ngón tay.
Để hạn chế những tác hại từ bàn phím, bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng khi làm việc với máy tính bạn cần ngồi đúng tư thế, các cổ tay, khớp tay đặt đúng vị trí trhích hợp. Không nên đánh bàn phím quá lâu trong một thời gian dài, mà thay vào đó hãy dành thời gian để tập thể dục cho đôi bàn tay bằng những động tác đơn giản cứ sau mỗi 30 phút/lần.
Bàn phím phải đặt thấp hơn khuỷu tay, để khuỷu tay bạn tạo nên một góc 90 độ. Chiếc bàn phải đủ vững chắc để không được rung lắc khi sử dụng và không được cập kênh. Chiếc bàn phải đủ sâu để đặt màn hình cách mắt bạn ít nhất là 50cm.

Đã có bao giờ bạn lâm vào tình trạng mệt mỏi triền miên, “ăn không ngon, ngủ không yên”? Những cơn nhức đầu có thể làm bạn không muốn ăn, buồn phiền làm cho “nuốt không trôi”, lại thêm bụng cứ lình xình không đói, ăn uống không ngon miệng và thậm chí còn buồn nôn khi thấy thức ăn… Thực ra khi bị stress, bạn chẳng thiết gì đến việc ăn uống, ngủ nghê và cũng không để tâm lo lắng cho điều đó.


Stress tác động trực tiếp lên hệ thần kinh, làm cho hoạt động của hệ tiêu hoá bị kém đi: dạ dày, ruột giảm co bóp, men tiêu hoá tiết ra ít, quá trình tiêu hoá và hấp thu thức ăn bị giảm sút. Thức ăn không tiêu sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như buồn nôn hoặc nôn thật sự, đầy bụng, chướng hơi, ăn không ngon và không muốn ăn… Hậu quả là giảm cân và có thể suy dinh dưỡng nếu kéo dài tình trạng này.
Ngoài những biện pháp giảm stress như bỏ bớt công việc, nghỉ ngơi, thư giãn…, bạn nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Lúc này bạn cần lựa chọn những thực phẩm đã từng ưa thích, những món nấu chín, mềm, lỏng dễ tiêu hoá như ly sữa, bánh ngọt… Bạn có thể ăn nhiều bữa mỗi ngày, mỗi bữa một ít để “nhẹ gánh” bớt cho hệ tiêu hoá. Thậm chí nếu bạn thấy ngán ăn món này, có thể thay đổi món khác ngay trong cùng một bữa ăn. Thay đổi các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ,… để cung cấp các acid amin cần thiết cho não. Các loại rau xanh, trái cây cũng rất cần thiết để làm “tươi tắn” cơ thể.
Và sau khi “cơn bão stress” đã tạm qua đi, bạn vẫn nên tiếp tục chú ý đến thực đơn của mình. Lúc này bạn cần tăng cân, vì vậy hãy chọn những món giàu năng lượng như món chiên, xào, xôi, bánh chưng nếu thích nếp, các món phụ như kem, chè, bánh ngọt,…
Cũng có người khi bị stress thì ăn nhiều hơn. Sau khi giảm stress sẽ phải đối phó với tình trạng thừa cân. Tiến trình giảm cân cần thực hiện với việc tăng cường những thức ăn năng lượng thấp (canh rau, khoai củ luộc, trái cây ít ngọt) và hạn chế thức ăn năng lượng cao (cơm, chè, kem, bánh ngọt, chocolate, món quay, chiên, xào), tập thể dục trên 60 phút mỗi ngày.

Khi bắt đầu bước qua tuổi 40, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, tốt nhất bạn có sẵn một kế hoạch cho riêng mình để mỗi khi đón một mùa xuân đỡ phải bận tâm về sức khỏe. Về vấn đề này, bác sĩ Mireille Moise – Đại học Harvard – đã đưa ra một số lời khuyên như sau:


- Kiểm tra mắt định kỳ: Tuổi tác là một trong những nguyên nhân làm giảm thị lực. Kiểm tra mắt định kỳ để đeo kính cho phù hợp và luôn tiện kiểm tra một số bệnh lý khác ở mắt.
- Khám răng hằng năm để đánh giá tình trạng răng miệng và tầm soát ung thư trong khoang miệng.
- Tìm một bác sĩ gia đình mà bạn cảm thấy tin cậy để có thể gửi gắm sức khỏe của mình sau này.
- Nếu không may bạn đổ bệnh hoặc tệ hơn thì thật nguy. Do đó lúc còn khỏe hãy nghĩ hay viết ra trước những điều bạn muốn làm, người muốn bổ nhiệm hay người kế thừa. Đảm bảo tính pháp lý để tránh những rắc rối sau này.
- Cân nhắc việc mua bảo hiểm y tế lâu dài nhằm giảm bớt một phần chi phí khi bạn lâm bệnh.
- Lập hồ sơ sức khỏe cho bản thân: nó cho biết tình trạng bệnh tật, những loại thuốc đang dùng, những tai biến đã gặp… Chính những thông tin này giúp bác sĩ và người thân nắm được diễn tiến của bạn.
- Nếu chưa có kế hoạch cai thuốc lá, hãy bắt đầu từ bây giờ.
- Có chế độ ăn kiêng và tập thể dục để tống khứ những kílô dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Đi bộ: đây là một bài tập nhẹ nhàng và đơn giản, không những cải thiện về thể lực mà còn làm tinh thần thoải mái hơn.

Viêm loét ruột kết là dạng bệnh viêm đường tiêu hóa xảy ra ở ruột già và trực tràng. Không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng. Song dấu hiệu của bệnh thì khá đặc trưng, gồm:


Danh sách triệu chứng do Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ đưa ra, đăng trên HealthDay News:
- Đau bụng, thường ngớt sau khi đi đại tiện.
- Có tiếng ùng ục bất thường ở trong bụng
- Đi ỉa chảy và sốt
- Giảm cân
- Thường xuyên cảm thấy muốn đi đại tiện
- Ói mửa và buồn nôn
- Đau các khớp
- Chảy máu dạ dày, ruột

Nhiều bạn gái khi thấy cửa mình ẩm ướt, không hiểu nguyên nhân tại sao và được người lớn cho biết đó là “khí hư”. Một số trường hợp do không được giải thích cặn kẽ nên bạn gái lo sợ và nghĩ mình đã bị mắc bệnh. Vậy thực chất “khí hư” là gì? có phải khí hư là biểu hiện của tình trạng bệnh lý hay không?

Khí hư là gì?
Cũng giống như khái niệm “ruột thừa”, gọi là ruột thừa nhưng không phải là một bộ phận thừa, không có vai trò gì trong hoạt động sống và phát triển của cơ thể. Gọi là “khí hư” nhưng thực chất đó không phải là một chất khí bị hư.
Nên khám phụ khoa nếu phát hiện khí hư bất thường.
Đây là cách gọi dân gian để chỉ chất dịch tiết ra từ bộ phận sinh dục của bạn nữ xuất hiện khi đến tuổi dậy thì, còn trong khoa học gọi là huyết trắng hay dịch tiết âm đạo. Khí hư là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ và có liên quan đến bệnh lý đường sinh dục
Khí hư sinh lý (dịch tiết âm đạo)
Khí hư bình thường có màu trắng trong có thể hơi ngả vàng. Số lượng và tính chất của khí hư thay đổi tùy theo từng giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt. Ở giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ít và không dai. Ở thời điểm rụng trứng, khí hư thường nhiều, loãng và dai. Vào giai đoạn này, để một ít khí hư vào hai ngón tay có thể kéo dài ra được.
Tác dụng: ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, khí hư còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng, hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng.
Khí hư được hình thành do tác dụng của nội tiết tố sinh sản nữ estrogen.
Ở các bé gái, bộ máy sinh dục chưa phát triển đầy đủ, nhìn chung trong âm đạo không có nội tiết nên không có khí hư.
Bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng dần dần phát triển và tiết ra chất kích thích khiến bộ máy sinh dục sản sinh ra các chất nội tiết, vì thế mới có khí hư.
Đến tuổi trưởng thành, buồng trứng phát triển hoàn thiện, hàng tháng đều tiết ra estrogen và progesteron, vì thế lượng khí hư xuất hiện và thay đổi theo chu kỳ, tùy thuộc hàm lượng của estrogen nhiều hay ít.
Sau khi hết đợt hành kinh, bạn có thể thấy khô ở cửa mình, không có dịch tiết.
Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa chu kỳ kinh nguyệt, (đặc biệt là trước thời điểm rụng trứng 12-24 giờ), lượng estrogen tăng lên, dịch tiết ra càng nhiều, vì thế làm cho chị em cảm thấy ẩm ướt, khó chịu ở cửa mình.
Trong khoảng thời gian này, khi thấy dịch tiết ra nhiều, nhiều bạn gái lại tỏ ra lo lắng, lầm tưởng mình bị bệnh.
Sau rụng trứng, lượng estrogen giảm, lượng progesteron tăng lên, ức chế việc tiết ra chất nhầy ở cổ tử cung làm dịch tiết mất đi độ ướt, trở nên đặc dính.
Ở một số bạn, nó biến mất hẳn, một số lại có dịch đặc cho đến tận kỳ kinh sau, một số bạn khác khi sắp hành kinh lại có dịch loãng…. Đó là những thay đổi thông thường của dịch tiết âm đạo.
Khí hư bệnh lý và việc viêm nhiễm
Bên cạnh khí hư sinh lý, trong nhiều trường hợp khí hư là biểu hiện của các bệnh lý đường sinh dục. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu và khám chữa bệnh, các bác sĩ đã phân ra 3 loại khí hư bệnh lý sau:
Khí hư trong: dịch trong, trắng, nhầy dính, có khi loãng như nước, không hôi.
Nguyên nhân: u xơ tử cung, polype cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung, quá sản nội mạc tử cung do cường estrogen.
Khí hư vàng: dịch trong, trắng, loãng, có váng như sữa. Nguyên nhân thường do rối loạn tâm lý, rối loạn thần kinh thực vật.
Khí hư đục: dịch đặc, hôi và nhiều, thường có màu vàng và xanh, có bọt hay không phụ thuộc tác nhân gây bệnh. Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, kí sinh trùng. Tất cả các dạng trên của khí hư đều là biểu hiện của bệnh lý đường sinh dục, cần phát hiện và điều trị kịp thời, nếu để lâu sẽ dẫn tới những viêm nhiễm nặng hơn và có thể gây vô sinh ở các bạn nữ.
Tóm lại, khí hư giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống sinh lý, thể hiện tình trạng nội tiết, sức khỏe của người phụ nữ.
Khí hư không chỉ giữ cho âm đạo luôn có một độ ẩm nhất định mà còn có tác dụng chống các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể.
Tuy nhiên, môi trường ẩm ướt mà khí hư tạo ra lại là một điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và phát triển nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Chính vì vậy, các bạn nữ cần giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục của mình hằng ngày.
Bạn nên chọn loại quần lót thấm ẩm, thoáng mát, cảm thấy dễ chịu. Nên thay quần lót tối thiểu mỗi ngày 1 lần, (những ngày gần rụng trứng, khí hư ra nhiều hơn, bạn có thể thay nhiều hơn hoặc có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày để thấm ẩm).
Mỗi lần thay, bạn lại rửa sạch bằng nước sạch hoặc có pha một chút muối trắng rồi lau khô. Bạn cũng cần chú ý để phân biệt đâu là khí hư sinh lý và đâu là khí hư bệnh lý.
Việc viêm nhiễm đường sinh dục, chất dịch sẽ có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, mùi hôi tanh khó ngửi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa ngáy cơ quan sinh dục. Khi đó bạn cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Viêm teo niêm mạc dạ dày do vi khuẩn H.pylori thường không có triệu chứng nhưng nguy cơ diễn tiến tới ung thư dạ dày rất cao. Các yếu tố ngoại sinh khác và bệnh lý tự miễn dịch chống lại các tế bào tuyến của dạ dày, đặc biệt là tế bào thành và yếu tố nội.Viêm teo niêm mạc dạ dày là một thuật ngữ mô học với đặc trưng viêm mạn tính, tế bào tuyến của niêm mạc dạ dày mất đi hoặc bị thay thế bằng các tế bào biểu mô dạng niêm mạc ruột, các tuyến môn vị và mô xơ. Đây là biểu hiện giai đoạn cuối của các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H.pylori,  
Các biện pháp chẩn đoán
Vi khuẩn H.pylori là nguyên nhân gây ra viêm teo niêm mạc dạ dày.
Khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ cần được chỉ định soi dạ dày và làm xét nghiệm mô bệnh học. Nội soi dạ dày lấy ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm tại các vùng hang vị, thân vị và đáy vị. Xét nghiệm mô bệnh học giúp đánh giá mức độ và sự phân bố của viêm teo niêm mạc dạ dày. Tình trạng phá hủy niêm mạc dạ dày do tự miễn hay gặp ở thân và đáy vị, với nguyên nhân do vi khuẩn H.pylori thường gặp ở tất cả các vị trí khác nhau của dạ dày. Ở ta, tùy từng điều kiện, bệnh nhân cần được chỉ định các xét nghiệm khác như:
Tìm vi khuẩn H.pylori dựa vào lấy mảnh sinh thiết; làm xét nghiệm urê nhanh, qua hơi thở; nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ; xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể kháng H.pylori.
Xác định viêm teo niêm mạc dạ dày do tự miễn dựa vào xét nghiệm kháng thể kháng tế bào thành và yếu tố nội, định lượng cobalamin, gastrin trong máu…
Điều trị như thế nào?
Khi chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày được xác định, cần tiến hành điều trị theo 3 mục tiêu: loại trừ tác nhân gây bệnh, đặc biệt là trong trường hợp viêm teo do nhiễm vi khuẩn H.pylori; điều trị các triệu chứng của viêm teo niêm mạc dạ dày do tự miễn; cuối cùng là cố gắng đảo ngược quá trình viêm teo.
Điều trị diệt vi khuẩn H.pylori đòi hỏi sự phối hợp kháng sinh và các tác nhân chống tiết acid như thuốc ức chế bơm proton, ranitidine bismuth citrate (RBC). Việc không tuân thủ điều trị và vi khuẩn kháng kháng sinh là yếu tố quan trọng dẫn tới đáp ứng điều trị kém. Hiện nay, phác đồ diệt H.pylori được khuyến cáo là 3 thuốc cho đợt điều trị đầu tiên, nếu không có hiệu quả sẽ được thay bằng phác đồ 4 thuốc sau đó. Mỗi đợt điều trị từ 10 – 14 ngày.
Viêm teo niêm mạc dạ dày tự miễn tập trung vào điều trị giảm viêm, điều trị triệu chứng, bổ sung vitamin B12, giảm các yếu tố kích ứng quá trình tự miễn: vi khuẩn H.pylori, các gia vị kích ứng dạ dày…
Theo dõi sau điều trị và biện pháp phòng ngừa
Cần xác định vi khuẩn H.pylori đã được điều trị triệt để hay chưa ít nhất là 4 tuần sau kết thúc điều trị, có thể làm các xét nghiệm không xâm nhập như test urê qua hơi thở.
Viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm H.pylori sẽ có nguy cơ cao dẫn tới loét và ung thư dạ dày. Với nguyên nhân tự miễn nguy cơ này là bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, polyp và ung thư dạ dày. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, không những trên lâm sàng mà đặc biệt là các dấu hiệu qua hình ảnh nội soi dạ dày và xét nghiệm mô bệnh học.
Tóm lại: Viêm teo niêm mạc dạ dày có nguy cơ cao dẫn tới ung thư dạ dày, loại ung thư chiếm tỷ lệ hàng đầu, với tỷ lệ tử vong cao ở nước ta mà triệu chứng lại nghèo nàn không đặc hiệu. Do vậy mọi người cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm.
Các dấu hiệu của viêm teo niêm mạc dạ dày
Biểu hiện viêm teo niêm mạc dạ dày là biểu hiện của giai đoạn cuối của viêm dạ dày mạn tính do nhiễm H.pylori và tự miễn dịch. Nhiễm H.pylori cấp tính thường khó phát hiện trên lâm sàng, tuy vậy có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như: đau bụng vùng thượng vị, nôn, buồn nôn, cảm giác ậm ạch, đôi khi có sốt. Triệu chứng có thể tồn tại vài tuần khi H.pylori đã bị tiêu diệt.
Các triệu chứng của viêm dạ dày mạn do nhiễm H.pylori thường ít biểu hiện, có thể gặp đau bụng, chán ăn, buồn nôn và nôn. Nặng hơn có thể gặp các triệu chứng do biến chứng của viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm H.pylori mạn tính như loét và ung thư dạ dày.
Biểu hiện của viêm teo niêm mạc dạ dày do tự miễn thường là các triệu chứng của thiếu hụt chất cobalamin (vitamin B12) mà nguyên nhân là do thiếu hụt yếu tố nội, chất có tác dụng giúp hấp thu vitamin B12. Bệnh khởi đầu âm thầm và tiến triển chậm chạp. Thiếu hụt cobalamin tác động chủ yếu đến hệ huyết học, tiêu hóa và thần kinh, gây ra thiếu máu hồng cầu khổng lồ, xuất huyết giảm tiểu cầu… Triệu chứng có thể gặp là: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, đau ngực… thậm chí là các biểu hiện của suy tim sung huyết. Biểu hiện trên hệ tiêu hóa như: viêm lưỡi miệng, chán ăn, tiêu chảy dẫn tới sụt cân. Biểu hiện trên hệ thần kinh là hậu quả do mất myelin ở cả thần kinh ngoại vi lẫn trung ương: rối loạn cảm giác, yếu cơ, mất điều hòa; dễ cáu kỉnh, giảm trí nhớ, loạn thần…

Trong suốt nhiều năm làm việc chuyên ngành hô hấp, tôi khám và điều trị cho bệnh nhân (BN) hen suyễn chỉ “chăm bẳm” vào việc dự phòng hen suyễn, cắt cơn khó thở… Vừa rồi, dù văn hóa phương Đông của chúng ta ngại nói về tình dục (nhất là nữ giới), tôi gặp phải một BN nữ đến khám và than rằng, khi mức “nhu cầu năng lượng” của cô ta tăng lên, phổi cô ta thấy như hỏng đi và… Nói theo ngôn ngữ tình dục học, “cảm xúc” của cô ta như bị… chặn lại

Hoạt động tình dục “thỏa hiệp” với hen suyễn?
Các kết quả của một nghiên cứu (do Meyer thực hiện) gợi ý rằng, thầy thuốc cần thiết phải hỏi BN hen suyễn về chức năng tình dục của họ. Nghiên cứu cho thấy rằng, 2/3 trong số 353 người bị hen suyễn được hỏi để khảo sát về hoạt động tình dục của họ trả lời rằng, hoạt động tình dục bị ảnh hưởng bởi hen suyễn. 1/5 trong số đó đã nói hen suyễn đã làm họ phải “kiêng khem”.
Đối với bác sĩ điều trị, cần nói về hoạt động tình dục của BN trong lúc khám để đánh giá hen suyễn có thể cứu sống “cuộc đời tình dục” của BN. Không như chúng ta nhầm tưởng, đơn giản là cắt cơn, đơn giản là dự phòng cơn hen là cho rằng ta đã kiểm soát được hen suyễn. Không phải vậy! Các giới hạn trầm trọng về chức năng tình dục cũng cho thấy rằng hen suyễn không dễ được kiểm soát.
Meyer và nhóm nghiên cứu của ông tại Trung tâm Phổi Đại học Harlem đã thực hiện một khảo sát, đối với những BN hen suyễn nặng được nhập vào phòng cấp cứu. Mỗi người tham gia nghiên cứu được hỏi để hoàn tất bảng câu hỏi về chất lượng cuộc sống 3 tuần sau khi vào phòng cấp cứu. Các câu trả lời của BN đã vẽ lên một bức tranh đầy xúc động. Trong số 80% BN tiếp tục có hoạt động tình dục thì 58% trong đó nói rằng hen suyễn đã làm giảm tần suất “lên giường” của họ. Nhóm của Meyer cũng đã thấy rằng, những người giảm hoạt động tình dục do hen suyễn có thể bị trầm cảm và “không buồn” kiểm soát sức khỏe của họ. Nhưng chưa rõ việc có đúng trầm cảm làm giới hạn hoạt động tình dục, hay hoạt động tình dục bị giới hạn do hen suyễn dẫn đến trầm cảm.
Cái gì kích hoạt cơn hen cấp lúc “lên giường”?
Hoạt động thể lực gia tăng trong lúc sinh hoạt tình dục có thể làm cho đường dẫn khí bị viêm, co thắt, và thậm chí xẹp lại. Thở ngắn kéo dài có thể là lý do mà một số BN hen suyễn tránh tình dục một cách hoàn toàn. Giường ngủ – nơi mà việc “làm tình” thường xảy ra – có thể chứa các tác nhân kích hoạt hen suyễn. Trên giường ngủ có thể có mạt nhà, lông vật nuôi trong nhà (như lông mèo chẳng hạn), thậm chí cũng có thể có hen suyễn do nhựa của bao cao su! (Một số nghiên cứu trên nhân viên y tế cho thấy có phản ứng dị ứng với găng cao su).
Bạn có thể làm gì?
BN bị suyễn hãy nói thẳng mọi thứ liên quan mà họ gặp phải trong đời sống tình dục nếu bác sĩ không hỏi. BN không nên nói hen suyễn đã được kiểm soát tốt, trừ khi BN biết rõ là hen suyễn không ảnh hưởng đối với đời sống tình dục của mình.
Khi đã được bác sĩ kê đơn, nên sử dụng thuốc giãn phế quản nếu hoạt động tình dục gây ra vấn đề, các thuốc này làm giãn cơ của đường dẫn khí lớn và đường dẫn khí nhỏ giúp tăng thông khí. BN có thể sử dụng thuốc viên, dung dịch uống, thuốc hít hay thuốc tiêm, sao cho tác dụng tối ưu của thuốc phải thấy được trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, sử dụng thái quá thuốc giãn phế quản là không tốt. Kiểm tra với bác sĩ của bạn về liều lượng cũng như thời điểm dùng thuốc tối ưu. Thuốc hít cũng nên có để sử dụng hàng ngày cho mục đích kiểm soát dài hạn hen suyễn.
Nếu vấn đề nằm ở chỗ môi trường, nên xác định các tác nhân gây kích hoạt cơn hen suyễn. Nó có phải là tấm drag trải giường, chăn mền hay gối? Xét thấy cần thiết, có thể phải thay tất cả những gì trên giường hay thậm chí thay cả giường mà bạn cho rằng nó là nguyên nhân kích hoạt cơn hen suyễn. Cũng có thể chuyển sang “hoạt động” ở những nơi không “kinh điển” như sofa, sàn nhà, bồn tắm…
…Vài “mẹo thực hành”
Bên cạnh điều chỉnh thuốc men và các yếu tố kích hoạt hen suyễn trong môi trường, có các biện pháp khác mà bạn có thể thực hiện để “phục hồi” đời sống tình dục khỏe mạnh của mình.
Hãy để bạn tình của mình làm “chủ đạo”. Khi bạn tình làm “chủ đạo” trong “vận hành” sẽ giúp người bị hen suyễn thích thú thỏa mãn với sinh hoạt tình dục. Người bị hen suyễn cần “thụ động” hơn sẽ giúp giảm thiểu được triệu chứng thở ngắn.
Có nhiều phương cách trong sinh hoạt tình dục. Chúng ta thường tập trung vào “cơ quan chính yếu” khi giao hợp, nhưng có nhiều cách khác để đạt được sảng khoái bên nhau hơn là luôn phải “chàng-trong-nàng”. Ít mãnh liệt trong làm tình, khi cần thiết, có thể vẫn đạt được “cực khoái”.
Thay đổi thời gian trong ngày khi bạn làm tình. Thông thường, chúng ta thường “sinh hoạt” vào ban đêm, không nhất thiết phải như thế, hãy thử vào cuối giờ sáng hay đầu giờ chiều nếu lịch làm việc của bạn cho phép. Bạn nhớ rằng, những thời điểm này chức năng phổi của bạn có thể là tốt nhất.
Tránh mọi thứ làm gia tăng áp lực lên phổi. Nghĩa là, với tư thế kinh điển, người phụ nữ nằm ngửa bên dưới người đàn ông trong lúc giao hợp, có thể không luôn là chọn lựa tốt cho người bị hen suyễn. Tư thế nên tùy thuộc vào ai là người bị hen suyễn trong “hai ta”!
Giải pháp cho người nữ bị hen suyễn
Các biện pháp chung chung bao gồm, không hút thuốc, tránh uống nhiều rượu vang đỏ (rượu vang đỏ thường có thể kích hoạt cơn hen suyễn). Sử dụng đều đặn các thuốc thích hợp, chẳng hạn thuốc hít dự phòng hen suyễn. Có kế hoạch đều đặn thực hiện lưu lượng đỉnh ký, sẽ giúp đánh giá khả năng thở của bạn, cho phép bạn tiên đoán 1-2 ngày trước khi cơn hen xảy ra, bạn sẽ chủ động ngặn chặn hen suyễn hay tránh “hoạt động” vào ngày mà mình có thể bị cơn hen.
Chồng của bạn cần được điều chỉnh hợp lý để giúp cho vợ mình duy trì được sức khỏe tốt và sẵn sàng cho sự lãng mạn. Trên tất cả, nhất thiết anh ta cũng phải ngưng hút thuốc trong nhà, trong xe hơi cũng như ở mọi nơi gần vợ.

Teo âm đạo là một hiện tượng bình thường của các chị em khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Khi ấy, cơ thể người phụ nữ sẽ bị suy giảm sản xuất estrogen, các mô trong âm đạo trở nên khô, mỏng và teo tóp lại gây đau nhức và làm cho quá trình giao hợp trở nên khó khăn. Bệnh không những gây ra sự suy giảm tình dục mà còn có thể lây lan sang đường tiết niệu, dẫn đến việc khó đi tiểu, nước tiểu có máu và các vấn đề nghiêm trọng khác.

Âm đạo teo hay còn gọi là chứng viêm âm đạo teo ám chỉ một sự thay đổi bất thường của âm đạo xuất hiện khi có sự trượt giảm đột ngột với số lượng không nhỏ các hoóc môn giới tính nữ estrogen. Điều này đồng nghĩa với việc giảm các mức độ estrogen (do hai buồng trứng sản sinh ra nhằm góp phần duy trì sự bôi trơn và khỏe mạnh của các mô âm đạo) chính là “thủ phạm” gây nên chứng teo âm đạo.
Y học giải thích rằng khi các mức độ estrogen thấp hơn ngưỡng cho phép, mô âm đạo sẽ trở nên mỏng đi, khô hơn và co lại làm cho âm đạo teo dần. Lúc này cũng là thời điểm âm đạo dễ bị viêm nhiễm nhất.

 Giảm estrogen do hai buồng trứng sản sinh ra chính là “thủ phạm” gây teo âm đạo.
Nguyên nhân gây teo âm đạo
Các triệu chứng teo âm đạo có thể gặp ở nhiều phụ nữ mãn kinh (khoảng 10 – 40%) phần lớn cần được điều trị nhưng chỉ khoảng 1/4 trong số này thực sự tìm đến bác sĩ để chữa trị.
Rối loạn vận mạch tuổi mãn kinh, ví dụ như cơn bốc hỏa xảy ra khi buồng trứng không còn tiết hormon estrogen có thể giảm dần theo thời gian dù có điều trị bằng estrogen hay không, nhưng các triệu chứng teo âm đạo lại thường tiến triển và khó có thể tự khỏi. Nếu không điều trị, người bệnh có thể phải chịu đựng sự khó chịu nhiều năm và giảm chất lượng sống.
Tình trạng teo âm đạo này cũng có thể xảy ra khi một phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và nồng độ estrogen có thể thấp hơn bình thường; uống một số loại thuốc hay phải điều trị bằng bức xạ và hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng vì bất cứ lý do gì, rối loạn miễn dịch nhất định và không rõ lý do nhất định cũng có thể gây ra sự suy giảm estrogen và kết quả là teo âm đạo
Triệu chứng không rõ ràng
Trước khi bước sang thời kỳ mãn kinh khoảng 5 – 10 năm, phụ nữ thường không phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào của hiện tượng âm đạo teo. Nếu có thì nhìn chung, triệu chứng của nó cũng không mấy rõ ràng, có khi dễ bị nhầm lẫn với một số chứng nhiễm trùng khác, cụ thể là:
Đau nhức và ngứa âm đạo là các triệu chứng chính của tình trạng teo âm đạo. Ngoài ra, chị em còn có thể có cảm giác đau nhức và nóng rát, nhất là mỗi lần có quan hệ tình dục. Thậm chí, đôi khi các triệu chứng này có thể quá kích thích khiến chị em còn không thể tiếp tục quan hệ vợ chồng.
Trong trường hợp vùng sinh dục bị viêm nhiễm, có thể có chất dịch màu trắng kèm theo mùi hôi thối. Tình trạng này cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra chảy máu sau khi giao hợp và chảy máu sau mãn kinh.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu khi bị kết luận teo âm đạo mà chị em thấy mình có một vài triệu chứng bất ổn ở đường tiết niệu, vì các triệu chứng tiết niệu thường đi kèm với triệu chứng teo âm đạo, ví dụ như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn, đi tiểu ra máu. Tình trạng này cần được kiểm soát và khám theo định kỳ để tránh nhiễm trùng đường tiểu có thể xảy ra.
 Nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm bệnh đường sinh dục. Ảnh: TL
Biện pháp điều trị teo âm đạo
Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể sử dụng chất bôi trơn và chất dưỡng ẩm để giữ cho các mô của âm đạo ẩm và linh hoạt hơn, từ đó giúp chuyện ấy thoải mái hơn.
Nếu những biện pháp này vẫn không đủ để cứu cánh thì liệu pháp dùng estrogen có thể được thay thế. Việc thay đổi hoóc-môn có thể ngăn chặn nhiều những thay đổi liên quan đến chứng teo âm đạo và giúp đảo ngược một số thiệt hại do teo âm đạo gây nên tại một số thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, các chị em không nên xấu hổ để thảo luận tất cả các vấn đề như khô âm đạo với các bác sĩ phụ khoa. Bởi vì khô âm đạo cũng có thể là một triệu chứng của một bệnh nào đó tiềm ẩn nên được giải quyết.
Thường thì một bác sĩ phụ khoa có thể điều trị cho tình trạng này của bạn. Đôi khi bạn có thể phải đến gặp một bác sĩ nội tiết chuyên về các vấn đề y tế liên quan đến các kích thích tố để điều trị.
Bác sĩ nội tiết có thể khuyên bạn nên thử nghiệm sử dụng nội tiết tố để xác định hàm lượng hoóc-môn của cơ thể. Đây là biện pháp để tìm ra một liều lượng estrogen thích hợp giúp giải quyết chứng teo âm đạo và hạn chế các tác dụng phụ của chúng.
Phòng teo âm đạo như thế nào?
Cần phát hiện các triệu chứng sớm để có thể ngăn chặn teo âm đạo. Thông thường, để khắc phục tình trạng này, chị em có thể quan tâm đến việc bổ sung estrogen cho âm đạo cũng như dùng chất bôi trơn âm đạo có nguồn gốc từ nước cho mỗi lần có quan hệ tình dục.
Có quan hệ tình dục thường xuyên cũng góp phần làm giảm các triệu chứng teo âm đạo vì quá trình giao hợp có thể củng cố, cải thiện việc lưu thông, tuần hoàn máu nơi âm đạo, giúp duy trì các mô âm đạo – một trong những điều kiện quan trọng khiến âm đạo không bị teo. Nhiều loại kem và sữa dưỡng tại chỗ có thể giúp cải thiện tình hình và có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng teo âm đạo trước khi chúng trở nên tồi tệ hơn.

Một trong những điều khiến các cặp vợ chồng đau đầu là làm sao lựa chọn được một biện pháp tránh thai để vừa an toàn nhưng vẫn đạt được khoái cảm trong chuyện chăn gối. Thật khó có thể khẳng định được 100% phương pháp bạn chọn dưới đây là an toàn nhưng nó sẽ là những biện pháp tốt, được nhiều người lựa chọn và đặc biệt là ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Đi ủng”: Dùng bao cao su là lựa chọn số 1 của các cặp vợ chồng thuộc mọi lứa tuổi. Bởi, bao cao su dễ sử dụng, dễ tìm kiếm, không gây đau đớn, ít gây kích ứng cho người sử dụng. Hơn nữa, dùng bao cao su bạn và đối tác sẽ tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Dùng thuốc tránh thai: Đây là sự lựa chọn của những bà vợ yêu chồng. Dùng thuốc tránh thai giúp bạn chủ động trong cuộc yêu, như thế, chuyện chăn gối của bạn sẽ không bị gián đoạn, cảm giác thăng hoa được trọn vẹn. Để tăng hiệu quả của việc dùng thuốc, chị em nên uống thuốc đúng giờ, uống vào một thời gian nhất định trong ngày. Tuy nhiên có một số người bị dị ứng với thuốc khiến kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng tới lượng hormon… Lúc này nên tìm tới bác sĩ để được tư vấn biện pháp khác.
Đặt vòng tránh thai: Việc đặt vòng đem lại hiệu quả cao trong việc phòng tránh thai. Thế nhưng nhiều người bị kích ứng, bị tai biến khi đặt vòng không đúng. Vì vậy hãy đến các trung tâm y tế, phòng kế hoạch hóa gia đình để các bác sĩ có chuyên môn giúp bạn.
Dùng màng chắn âm đạo: Biện pháp này phù hợp với những người lập gia đình lâu, có kinh nghiệm trong chuyện ấy vì cách sử dụng phức tạp hơn các biện pháp trên. Bạn đặt màng chắn vào âm đạo trước khi giao hợp, định vị nó để nó giữ được tinh dịch không chảy vào bất cứ nơi nào gần cổ tử cung của bạn.Đây là một lựa chọn tốt cho người phụ nữ không thích bao cao su, hoặc những người không thể uống thuốc tránh thai vì những lý do khác nhau hoặc những người không thể đặt vòng tránh thai. Nó cũng phổ biến với phụ nữ lớn tuổi khi khả năng sinh sản giảm.
Xuất “quân” ra ngoài: Biện pháp này sẽ không hiệu quả nếu như các ông chồng lên đỉnh quá sung mà quên hoặc không kịp rút “cậu nhỏ” ra ngoài. Nhiều cặp vợ chồng chọn biện pháp này vì người vợ dùng các biện pháp khác bị kích ứng. Tuy nhiên nếu kéo dài, sức khỏe của nam giới sẽ bị ảnh hưởng.

Bà N.T.H., 27 tuổi, nhà ở Q.Tân Bình TP.HCM, vừa sắm một lò vi sóng. Do không tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, bà H. hâm cháo bằng cách cho cháo vào hộp nhựa rồi đậy kín hộp bằng nắp nhựa, không có kẽ hở nào.

Sau khi hâm xong, bà mang hộp nhựa ra ngoài và mở nắp nhựa, đột ngột cháo đang nóng bắn mạnh lên làm bỏng cả vùng mặt. Bà H. thấy nóng rát khắp mặt liền chạy đến vòi sen, xối nước vào mặt mình cho bớt nóng, sau đó che mặt bằng khăn ướt, nhờ chồng chở đi cấp cứu gấp. Các bác sĩ nói bà H. may mắn chỉ bị bỏng mặt nhẹ, không trúng vào mắt.
Do sơ ý đóng nắp hộp nhựa kín mít nên tạo một áp suất bên trong hộp nhựa rất cao, vì thế sau khi hâm xong mà mở nắp thì cháo bên trong sẽ bắn lên. Nếu nắp nhựa có khoét hở một góc thì giúp hơi nước bay lên, không tích áp suất gây nguy hiểm.
Cho nên khi sử dụng lò vi sóng, cần lưu ý những nguyên tắc an toàn:
- Đảm bảo mọi dụng cụ đựng đồ ăn mà bạn cho vào lò vi sóng, dù làm bằng thủy tinh, sứ hay nhựa đều thuộc diện “an toàn với lò vi sóng”.
- Không sử dụng hộp đựng bằng kim loại, vì vi sóng có thể bật ra gây tia lửa và hỏa hoạn.
- Không đun nước hoặc các chất lỏng khác quá thời gian quy định của nhà sản xuất hoặc theo công thức nấu ăn. Việc quá nhiệt có thể xảy ra khi nước trong ly bị đun quá lâu. Khi đó, nước trông bình thường nhưng khi đưa ra ngoài sẽ bắn lên khỏi ly.
- Không đun nước hai lần vì dễ làm tăng nguy cơ quá nhiệt. Nước có đường hoặc cà phê sẽ làm giảm nguy cơ này.
- Đừng bao giờ vận hành lò vi sóng khi cửa bị hỏng hoặc không đóng khít.
- Đừng vận hành lò khi nó đang rỗng. Việc này có thể phát lửa và gây hỏa hoạn.
- Tốt nhất đứng cách xa lò vi sóng khoảng 1m để đảm bảo an toàn khi lò đang hoạt động.
- Nhớ sử dụng nắp đậy bằng nhựa an toàn với lò vi sóng để đậy thức ăn khi nấu nếu trong công thức món ăn yêu cầu. Để hở một góc giúp hơi nước bay lên, không tích áp suất gây nguy hiểm.
Lưu ý khi nấu ăn:
- Thịt sau khi rã đông bằng lò vi sóng thì nên nấu ngay. Vì lò vi sóng đã làm thức ăn chín một phần, nếu không nấu ngay vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở trong đó.
- Nói chung vùng ngoài của thức ăn sẽ chín nhanh hơn. Vì thế hãy sắp đặt thức ăn, chẳng hạn các miếng philê cá, sao cho phần mỏng hơn nằm ở tâm đĩa.
- Thức ăn đưa ra khỏi lò thường rất nóng, vì thế hãy sử dụng đồ gắp và cẩn thận. Nếu thức ăn được đậy trong khi nấu, hãy hé mở nắp một lúc để hơi nước không làm bỏng tay bạn khi mở ra.
- Hầu hết các lò vi sóng đều có những điểm nóng tập trung, vì thế nếu bạn ăn hoặc uống đồ trực tiếp lấy từ lò ra, vài chỗ nóng có thể khiến bạn bị bỏng.
- Ngược lại cũng có những chỗ lạnh mà thức ăn chưa đủ nóng để diệt khuẩn. Bạn nhớ đảo đều cẩn thận để tránh hiện tượng này.

Cuối năm cũng là mùa mọi người rủ nhau đi khám sức khỏe định kỳ, “tổng kết” tình hình sức khỏe trong năm.


Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện các rối loạn về sức khỏe trước khi chúng bắt đầu hoặc ở giai đoạn rất sớm của bệnh. Khi đó cơ hội để bạn điều trị lui bệnh hoặc dứt hẳn bệnh sẽ được dễ dàng hơn.Kiểm tra sức khỏe định kỳ là đi khám bệnh ở những khoảng thời gian nhất định dù chúng ta đang cảm thấy rất khỏe mạnh, điều này khác với việc một người đã biết bệnh đi khám theo hẹn của thầy thuốc để được theo dõi và điều trị.
Nội dung của kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm: khám bệnh tổng quát (kể cả làm xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm tầm soát một số bệnh thường gặp), khám mắt và khám phụ khoa đối với nữ.
Việc cần làm khi kiểm tra sức khỏe
Bạn cần chuẩn bị trước một số bước sau:
1. Xem lại tiền sử sức khỏe của gia đình: cần báo cho bác sĩ biết các thông tin về sức khỏe và bệnh tật của các thành viên trong gia đình mình. Tiền sử gia đình có thể làm bạn tăng nguy cơ một số bệnh như đái tháo đường, ung thư, bệnh tim và đột quỵ.
Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ bệnh của bạn dựa trên tiền sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác, đồng thời sẽ giúp bạn biết cách phòng bệnh, làm xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Bạn cần nắm bắt và thường xuyên cập nhật các thông tin về sức khỏe của gia đình. Vẽ cây bệnh tật giống như sơ đồ phả hệ. Lưu giữ các giấy tờ, toa thuốc và kết quả xét nghiệm. Thậm chí khi có một thành viên nào trong gia đình qua đời cũng cần ghi lại nguyên nhân tử vong.
2. Chuẩn bị hồ sơ về sức khỏe bản thân: bao gồm lịch chủng ngừa, nhớ lại xem trước đây mình có mắc bệnh hay mổ xẻ gì hay không, thuốc men đang dùng kể cả thảo dược hay thuốc bổ, kết quả xét nghiệm trước đó.
3. Chuẩn bị trước các câu hỏi cần trao đổi với bác sĩ: rà soát một cách có hệ thống tình hình sức khỏe, các dấu hiệu bệnh cũ còn kéo dài hay tái phát, các dấu hiệu của bệnh mới xảy ra.
Ví dụ như các thay đổi của cơ thể, chỗ sưng hay u, các thay đổi ở da… Xuất hiện các triệu chứng như: đau, chóng mặt, mệt mỏi, các bất thường về nước tiểu và phân, thay đổi chu kỳ kinh… Trầm cảm, lo âu, chấn thương, stress, rối loạn giấc ngủ… Thay đổi thói quen ăn uống…
Nếu có triệu chứng thì mô tả khi nào chúng bắt đầu, có khác biệt với những lần xuất hiện trước đây.
Khi trình bày với bác sĩ cần phải trung thực, chi tiết và thật ngắn gọn.
Bạn cần ghi trước ra giấy những điều trên vì khi đến phòng khám bạn khó mà nhớ hết được. Khi rời phòng khám, hãy chắc chắn những thắc mắc của bạn đã được giải đáp.
4. Chuẩn bị làm xét nghiệm: để kết quả xét nghiệm chính xác, người đi khám bệnh cần có sự chuẩn bị trước, bao gồm:
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước lã từ 8-12 giờ trước khi khám bệnh, nhằm bình ổn đường huyết và mỡ trong máu.
- Không mặc đồ quá chật khi đo huyết áp, lấy máu và chụp X-quang ngực.
- Không mang đồ trang sức vì sẽ làm cho hình ảnh chụp không rõ ràng.
- Thai phụ hoặc phụ nữ nghi ngờ có thai phải thông báo cho nhân viên y tế trước khi khám bệnh, vì chụp X-quang có thể gây ảnh hưởng đến bào thai.
- Phụ nữ đang giai đoạn hành kinh cũng nên thông báo trước cho nhân viên y tế để tránh diễn giải sai kết quả phân tích nước tiểu.
Thông thường, để đánh giá sức khỏe tổng quát chỉ cần làm các xét nghiệm thường quy là đủ (huyết đồ, đường huyết, chức năng thận, ion đồ, tổng phân tích nước tiểu, đo điện tim, X-quang phổi, siêu âm bụng).
Tuy nhiên, sau khi khám bệnh tùy trường hợp cụ thể hoặc khi bạn có nhu cầu kiểm tra thêm thì bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm như: nhóm máu, mỡ trong máu, bệnh lây như viêm gan siêu vi B, C, HIV/AIDS, xét nghiệm tầm soát ung thư và các xét nghiệm chuyên sâu khác…
Hỏi bác sĩ đủ thứ
Sau khi có đủ các dữ liệu về tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ cho bạn biết kết quả, cấp toa thuốc và cho những lời khuyên về sức khỏe.
Đây là lúc bạn cần hỏi bác sĩ tất cả thắc mắc về bệnh trạng của mình: có phải uống thuốc, uống trong bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc, tái khám…
Cũng trong dịp khám tổng quát này, bạn nên hỏi bác sĩ về chủng ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, phong đòn gánh, cúm gia cầm, ung thư cổ tử cung…
Nếu đợt khám tổng quát đạt kết quả tốt, đối với tuổi dưới 50 nên kiểm tra lại sau mỗi ba năm, trên 50 tuổi nên kiểm tra lại mỗi năm. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là tốt nhất dù ở độ tuổi nào.

Phương pháp sử dụng thuốc đặt phụ khoa hiện đang được khá nhiều chị em phụ nữ lựa chọn cho nhu cầu chữa trị các bệnh viêm nhiễm sinh dục như viêm âm đạo, nấm âm đạo, …. Tuy nhiên không phải ai cũng biết sử dụng thuốc đúng cách để đem lại hiệu quả cao và phòng tránh các tác hại có thể xảy ra.

Để sử dụng thuốc đặt phụ khoa mang lại hiệu quả cao trong chữa bệnh viêm nhiễm sinh dục, chị em phụ nữ cần lưu ý các điểm sau:
1. Liều lượng sử dụng
- Dùng đủ liều lượng và đều đặn trong khoảng 7-10 ngày. Tuyệt đối không nên kéo dài thời gian sử dụng đến quá 14 ngày vì có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc. Nếu bệnh tình không thuyên giảm trong 7-10 ngày thì bạn nên chuyển sang loại thuốc khác.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa
- Khi bệnh nặng, dùng thuốc đặt phụ khoa không hiệu quả thì bạn nên kết hợp với việc uống thuốc hàng ngày.
- Các bệnh viêm nhiễm sinh dục như viêm âm đạo, nấm âm đạo,… có thể tái đi tái lại nhiều lần, vì vậy lần đầu tiên chữa trị bạn chỉ nên chọn loại thuốc rẻ tiền, có tác dụng vừa phải, chỉ cho đến khi hiệu quả không cao mới dùng tiếp các loại thuốc đặc hiệu khác có tác dụng mạnh và đắt tiền hơn.
2. Cách sử dụng thuốc đặt phụ khoa
- Đối với loại viên trứng, viên nhét có thể chất mềm thì bạn chỉ cần đặt thẳng vào âm đạo là được. Còn đối với viên nén có thể chất hơi cứng và có đặc tính khó tan thì bạn cần làm ẩm chúng trước bằng cách nhúng viên thuốc này vào nước khoảng 20-30 giây sau đó đặt vào âm đạo.
Thuốc đặt phụ khoa
Sử dụng thuốc đặt phụ khoa đúng cách giúp bạn điều trị bệnh viêm nhiễm hiệu quả
- Cách đặt: bạn hãy kẹp viên thuốc đặt phụ khoa vào giữa 2 ngón tay rồi đưa vào âm đạo và đẩy nhẹ thuốc vào bên trong. Tuy nhiên bạn phải đảm bảo rằng tay đã được vệ sinh sạch sẽ trước khi thực hiện thao tác này để tránh lây lan vi khuẩn từ tay vào âm đạo, từ đó khiến cho tình trạng bệnh không những không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng hơn.
- Thời gian tốt nhất để bạn thực hiện thao tác trên là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Còn nếu bạn đặt vào thời gian khác thì sau khi đặt phải dành ra khoảng vài tiếng sau đó để nằm nghỉ.
3. Lưu ý khi sử dụng
Thuốc đặt phụ khoa
Tránh quan hệ tình dục khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa
- Bạn cần tránh quan hệ tình dục trong thời gian sử dụng thuốc đặt phụ khoa
- Cần tránh lạm dụng thuốc để chữa trị nhanh vì việc này không những không đem lại cho bạn hiệu quả điều trị cao mà còn dẫn tới kháng thuốc và làm mất cân bằng sinh thái hệ vi sinh, từ đó gây bội nhiễm các tác nhân gây bệnh.
- Tuyệt đối không được sử dụng thuốc trong thời gian kinh nguyệt
- Để tránh tình trạng tái nhiễm, cần phải điều trị cho cả vợ và chồng

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Theo các nhà khoa học cho biết chị em phụ nữ hoàn toàn có thể dự đoán tình trạng sức khỏe của mình dựa vào các dấu hiệu bất thường trong chu kì kinh nguyệt.

1. Theo dõi chu kỳ
Chu kì kinh nguyệt là khoảng thời gian giữa 2 lần kinh nguyệt liên tiếp. Chu kỳ này ở mỗi chị em phụ nữ đều có tính quy luật hàng tháng. Vì vậy nếu tự nhiên bạn gặp phải tình trạng kinh nguyệt đến sớm hoặc đến quá muộn kèm theo các cảm giác khó chịu thì bạn nên đi kiểm tra sớm bởi đây rất có thể là dấu hiệu của một bệnh phụ khoa nào đó trong cơ thể.
Design by Hao Tran -